Với sự tư vấn và sự phối hợp hỗ trợ từ Văn phòng Điều phối Quốc gia VOHUN, khóa tập huấn thu hút được 35 bạn sinh viên tham gia đến từ các chuyên ngành Thú Y, Chăn nuôi, Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm và Y học dự phòng. 7 nhóm sinh viên đã được tham gia các công tác lấy mẫu bệnh Tả lợn châu Phi, đồng thời cũng thực hành khảo sát về kiến thức, thái độ và thực hành của lãnh đạo và công nhân tại trang trại về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại công ty.
"Thực phẩm an toàn chính là an toàn cho sức khỏe cộng đồng" - Trích lời ông Trần Hòa - Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao lên đến 100% (theo OIE). Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, cùng với vấn đề các biện pháp nhằm khống chế bệnh cũng rất hạn chế. Với mục tiêu nâng cao kiến thức và kĩ năng cho sinh viên Một sức khỏe về bệnh dịch tả lợn châu Phi và an toàn sinh học trong chăn nuôi, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên phối hợp với trường Đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức chương trình Thực địa Một sức khỏe với chủ đề “An toàn sinh học trong chăn nuôi và thực hành lấy mẫu giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi, tại cơ sở thực địa Một sức khỏe – Công ty Cổ phần Thiên Thuận Tường, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Khóa thực địa diễn ra trong 03 ngày 04 – 06 tháng 03 năm 2022.
Ảnh 1: Sinh viên mặc bảo hộ lao động chuẩn bị lấy mẫu bệnh dịch tả lợn châu Phi tại công ty.
Ảnh 2: Ông Trần Hòa - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Thuận Tường chia sẻ thông tin về trang trại và thực trạng kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở.
Công ty Cổ phần Thiên Thuận Tường là cơ sở thực địa Một sức khỏe tư nhân đầu tiên tham gia Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam. Đây cũng là cơ sở tư nhân tiên phong ở Quảng Ninh nhiều năm qua đã tập trung nguồn lực cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Với tổng diện tích là hơn 300 ha, tính đến tháng 01/2022 thì số liệu cập nhật của cơ sở là hơn 50.000 con lơn, hơn 100.000 con gia cầm, thủy cầm và rất nhiều các loài động vật bản địa khác.
Ảnh 3: Sinh viên lắng nghe giảng viên hướng dẫn thực hành lấy mẫu tại cơ sở
Ảnh 4: Sinh viên thực hành lấy mẫu máu thành công
Tham gia thực hành tại cơ sở, sinh viên đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Ban quản lý công ty và các thầy cô giảng viên hướng dẫn. Sau khi các hoạt động diễn ra, 07 nhóm sinh viên đã dành thời gian làm việc nhóm và đưa ra được bản báo cáo kết quả thực tập. Từ báo cáo của các nhóm, sinh viên cũng đưa ra được các khuyến nghị dành cho trang trại về các vấn đề một sức khỏe ưu tiên cũng như một số định hướng cho các khóa thực địa trong tương lai sắp tới.
Ảnh 5: Sinh viên báo cáo kết quả thực tập
Kết thúc khóa thực tập tại cơ sở thực địa Một sức khỏe, sinh viên MSK đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc phối hợp liên ngành trong công tác giải quyết một vấn đề sức khỏe cũng như cách phối hợp liên ngành một cách hiệu quả.
Một số hình ảnh khác:
Ảnh 6: TS. Phan Thị Hồng Phúc - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hướng dẫn sinh viên lấy mẫu
Ảnh 7: TS. BS. Phạm Đức Phúc nhận xét báo cáo thực tập
Ảnh 7 & 8: Sinh viên tại cơ sở thực địa
Ảnh 9: TS. Phan Thị Hồng Phúc - Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên phát biểu tại chương trình